Nhu cầu sử dụng sản phẩm làm đẹp ngày càng cao đã tạo bước đà lớn cho các sản phẩm sản xuất trong nước phát triển. Vì vậy việc đăng ký thương hiệu mỹ phẩm trở nên rất cần thiết, giúp các thương hiệu Việt tránh bị làm giả, làm nhái, đảm bảo được quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tại sao cần đăng ký thương hiệu mỹ phẩm?
Đăng ký bảo hộ thương hiệu là quá trình pháp lý được thực hiện bởi doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tên gọi, logo, nhãn hiệu mỹ phẩm. Việc thực hiện các thủ tục pháp lý này mang lại nhiều lợi ích to lớn:
- Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm doanh nghiệp tự nghiên cứu và sản xuất. Điều này giúp ngăn chặn các hành vi sao chép trái phái phép từ đối thủ.
- Việc sở hữu một thương hiệu riêng giúp tạo ra sự khác biệt so với đối thủ. Tạo được lợi thế cạnh tranh, thu hút sự chú ý từ nhà đầu từ và đối tác.
- Đăng ký bảo hộ thương hiệu thành công là bước khởi đầu thuận lợi giúp doanh nghiệp dễ dàng mở rộng quy mô kinh doanh và mở ra cơ hội gia nhập thị trường quốc tế sau này.
- Một thương hiệu đã được đăng ký bảo hộ sẽ dễ tiếp cận và tạo dựng được niềm tin với khách hàng.

Quy định chung về điều kiện đăng ký thương hiệu mỹ phẩm
Trước khi đi vào chi tiết quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, hãy cùng Tân Vạn Xuân tìm hiểu các quy định chung liên quan tới vấn đề này:
Ai là người có quyền đăng ký?
Căn cứ theo Điều 87 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 13 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009, Chủ thể được quyền đăng ký nhãn hiệu bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu sản phẩm cho mình tự sản xuất hoặc sản phẩm mình đưa ra thị trường do đơn vị khác sản xuất với điều kiện chưa đăng ký sử dụng nhãn hiệu trước đó.
- Tổ chức tập thể có quyền đăng ký thương hiệu mỹ phẩm tập thể. Nếu trên nhãn hiệu có nguồn gốc địa lý cần được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
- Các đơn vị tổ chức kiểm soát, chứng nhận chất lượng, nguồn gốc sản phẩm có quyền đăng ký nhãn hiệu đó nhưng không được phép tự sản xuất và kinh doanh hàng hóa.
- Nhiều cá nhân, tổ chức có thể đồng đăng ký quyền sở hữu với điều kiện tất cả chủ sở hữu đều tham gia sản xuất và kinh doanh, đồng thời không gây nhầm lẫn về nguồn gốc mỹ phẩm.
Ngoài ra, bộ luật này cũng quy định:
- Các chủ thể có quyền chuyển giao đăng ký bảo hộ thương hiệu thông qua hợp đồng,thừa kế hoặc kế thừa nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định.
- Người đại diện, đại lý của chủ sở hữu thương hiệu không có quyền đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam nếu chưa có sự đồng ý hoặc lý do chính đáng.
Điều kiện đối với nhãn hiệu được bảo hộ
Theo Điều 72 Mục 4 luật sở hữu trí tuệ 2005, nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng điều kiện sau đây:
- “Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa;”
- “Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.”
Cần chuẩn bị gì trước khi đăng ký bảo hộ thương hiệu
Trước khi tiến hành đăng ký bảo hộ thương hiệu, cá nhân, doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ các tài liệu cần thiết cũng như dự trù các khoản lệ phí theo quy định để đảm bảo quá trình đăng ký diễn ra suôn sẻ.

Hồ sơ đăng ký thương hiệu mỹ phẩm
Căn cứ theo khoản 1 Điều 100 Luật sở hữu trí tuệ 2005, hồ sơ đăng ký bảo hộ mỹ phẩm cần chuẩn bị bao gồm:
- Tờ khai đăng ký nhãn hiệu theo mẫu số 404-NH Phụ lục A của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN
- 1 Bản chính giấy ủy quyền nếu nộp đơn đăng ký thông qua người đại diện .
- 1 Bản chính tài liệu chứng minh quyền đăng ký nếu người đăng ký được hưởng quyền chuyển nhượng, thừa kế, kế thừa từ người khác.
- 1 Bản chính mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa mang nhãn hiệu.
- 1 Bản chính tài liệu chứng minh quyền ưu tiên nếu có.
- 1 Bản sao chứng từ nộp thuế, lệ phí đăng ký (nộp lại sau khi đơn đăng ký được chấp thuận sau khi thẩm định).
Các loại phí và lệ phí đăng ký
Các loại phí và lệ phí cần nộp bao gồm:
- Lệ phí nộp đơn: 150.000 Đồng (gồm cả đơn tách và đơn chuyển đổi)
- Lệ phí cấp văn bằng bảo hộ: 120.000 Đồng đối với nhóm sản phẩm cùng thương hiệu đăng ký đầu tiên. Kể từ nhóm thứ 2 trở đi, doanh nghiệp cần nộp thêm 100.000 Đồng cho mỗi nhóm.
- Phí thẩm định nội dung: 550.000 đồng nếu trên đơn mô tả nhãn hiệu có 6 sản phẩm trở xuống. Từ sản phẩm thứ trở đi, cần nộp thêm 120.000 đồng/sản phẩm.
- Phí phân loại quốc tế và sáng chế: 100.000 đồng nếu mỗi nhóm có từ 6 sản phẩm trở xuống. Từ sản phẩm thứ 7 trở đi, cần nộp thêm 20.000 đồng/sản phẩm.
- Phí công bố đơn đăng ký thương hiệu mỹ phẩm: 120.000 đồng.
- Phí thẩm định quyền ưu tiên: 600.000 Đồng
- Phí thẩm định yêu cầu sửa đổi: 160.000 đồng
- Phí tra cứu thông tin phục vụ cho mục đích thẩm định: 180.000 đồng với nhóm có tử 6 sản phẩm trở xuống, nộp thêm 30.000 đồng /sản phẩm từ sản phẩm thứ 7 trở đi.
- Phí đăng bạ quyết định cấp văn bằng bảo hộ trên cổng thông tin chung: 120.000 Đồng
Quy trình đăng ký thương hiệu mỹ phẩm chi tiết

Bước 1: Tra cứu nhãn hiệu
Cá nhân, doanh nghiệp thực hiện tra cứu nhãn hiệu mỹ phẩm bằng các phương pháp sau:
- Tra cứu sơ bộ trên Thư viện Số về Sở hữu công nghiệp, tuy nhiên phương pháp này không mang lại tính chính xác cao.
- Tra cứu nâng cao để có được kết quả chính xác hơn, nhưng sẽ mất từ 2 – 3 ngày để trả về kết quả.
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký thương hiệu mỹ phẩm
Người đại diện hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu nộp lại bộ hồ sơ đã chuẩn bị đến Cục Sở hữu trí tuệ trụ sở chính tại Hà Nội hoặc các văn phòng đại diện ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng tùy theo khu vực đăng ký.
Bước 3: Thẩm định hồ sơ
Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ đăng ký bảo hộ:
- Thẩm định hình thức: Thời gian 1 tháng kể từ ngày nộp đơn.
- Công bố đơn: Thời hạn 2 tháng kể từ hàng đơn đăng ký được chấp nhận.
- Thẩm định nội dung: Tối đa 9 tháng kể từ ngày đơn được công bố.
Bước 4: Trả kết quả và cấp văn bằng
Trong trường hợp chủ thể đăng ký không đáp ứng điều kiện bảo hộ, Cục sở hữu trí tuệ sẽ đưa ra quyết định từ chối bằng văn bản. Trong trường hợp nhãn hiệu đáp ứng yêu cầu về bảo hộ, chủ sở hữu thương hiệu sẽ được cấp văn bằng chứng nhận sau khi đã đóng đầy đủ các loại phí và lệ phí cần thiết.
Kết luận
Đăng ký thương hiệu mỹ phẩm là bước tiến chiến lược giúp doanh nghiệp xây dựng được sự uy tín và vị thế trên thị trường. Đồng thời đảm bảo quyền lợi của mình trước các hành vi sao chép và làm giả từ đối thủ.